100 câu hỏi chất lượng nước giếng khoan khiến bạn giật mình

By wepar on Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Cuộc sống ngày càng đô thị hóa dẫn đến nguồn nước sạch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bạn có lo lắng về nguồn nước nhà mình đang sử dụng có vấn đề gì không ? Hãy cùng xem đáp án trả lời của 100 câu hỏi về chủ đề chất lượng nước giếng khoan hiện nay nhé.



1. Có bao nhiêu nguồn nước thiên nhiên có thể khai thác để sử dụng ?
     
Nước mặt (sông, suối, kênh, rạch, ao, hồ…), nước ngầm (giếng đào, giếng khoan), nước mưa.

Đối với nguồn nước nào trước khi đưa vào sử dụng cũng phải xử lý tùy theo mục đích sử dụng.


2. Nước ngầm mạch nông và nước ngầm mạch sâu, nước nào tốt hơn ?
   
 Nước ngầm mạch nông ở độ sâu từ 3 đến 10 mét, loại này thường bị nhiễm bẩn nhiều, trữ lượng ít và chịu ảnh hưởng bởi thời tiết

      Nước ngầm mạch sâu trên 20 mét chất lượng tốt hơn, trữ lượng nước phong phú hơn so với nước ngầm mạch nông.

3. Nước mặt là nước nguồn nước nào, tuân theo quy các tiêu chuẩn nào ?
      Nước mặt: nước sông, suối, kênh, rạch, ao, hồ, kênh, mương…
     Nước mặt đánh giá theo QCVN 08:2008/BTNMT ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường

4. Chất lượng nước ngầm và nước mặt, nước nào tốt hơn ?

      Nước ngầm thường có chất lượng tốt hơn nước mặt do nước ngầm được khai thác từ các tầng chứa nước dưới đất nên ít chịu ảnh hưởng bởi các tác động của con người.


5. Nước ngầm là nguồn nước nào, tuân theo các tiêu chuẩn nào ?

      Nước ngầm: nước tồn tại ttrong lớp đất đá từ mặt đất trở xuống (nước giếng khoan, giếng đào).
    Nước ngầm đánh giá theo QCVN 09:2008/BTNMT ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường

6. Thế nào là giếng đào hợp vệ sinh ?

      Căn cứ Quyết định số 2570/QĐ-BNN-TCTL ngày 22/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Bộ chỉ số và tài liệu hướng dẫn triển khai công tác theo dõi, đánh giá Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thì:
      - Giếng đào phải nằm cách nhà tiêu, chuồng gia súc hoặc nguồn gây ô nhiễm khác ít nhất 10m.

      - Thành giếng cao tối thiểu 0,6m được xây bằng gạch, đá và thả ống buy sâu ít nhất 3 m kể từ mặt đất (ống buy là ống bê tông tương tự ống cống, được đặt thẳng đứng).

      - Sân giếng phải làm bằng bê tông hoặc lát gạch, đá, không bị nứt nẻ.

7. Nước khoáng được khai thác từ đâu ?

      Nước khoáng được khai thác từ tầng sâu dưới đất hay từ các suối phun trào từ lòng đất. Sau khi qua xử lý, nước được đóng chai để cung cấp cho người sử dụng.

8. Nước mưa có sạch hay không ?

      Bản chất nước mưa là rất sạch. Tuy nhiên, nước mưa có thể bị ô nhiễm bởi khói, bụi, vi khuẩn có trong không khí và hệ thống mái nhà, máng thu gom dẫn về bể chứa nên đến khi sử dụng, nước mưa không hoàn toàn sạch (thậm chí chứa cả phân chim, phân mèo… ở trên hệ thống mái nhà, máng thu gom).


9. Sử dụng nước mưa như thế nào để đảm bảo an toàn cho sức khỏe ?

      Thu hứng nước mưa cần tránh những cơn mưa đầu mùa.

      Vệ sinh sạch sẽ máng thu nước mưa, bể chứa nước dự trữ, đậy kín bể chứa nước mưa tránh bụi bẩn và côn trùng, vật lạ rơi vào bể chứa.

      Đun sôi nước 1000C trong 15 phút trước khi sử dụng cho ăn uống.

10. Nước sông có sử dụng được không ?

      Nước sông có thể sử dụng và khai thác dễ dàng. Tuy nhiên, do tác động của con người, nguồn nước sông có thể bị ô nhiễm (từ công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt…).

      Tùy vào mục đích sử dụng (ăn uống, sinh hoạt), cần có biện pháp xử lý phù hợp để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng.

11. Tắm, bơi lội dưới sông có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không ?

      Nguồn nước sông hiện nay đang bị ô nhiễm do các hoạt động xả thải chất bẩn của con người. Do đó, việc tắm sông có thể làm người tắm bị lây nhiễm các bệnh về da, mắt, tai mũi họng, viêm mão, bệnh truyền qua đường phân miệng như tả, thương hàn, tiêu chảy…

12. Thế nào là giếng khoan hợp vệ sinh ?

      Căn cứ Quyết định số 2570/QĐ-BNN-TCTL ngày 22/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Bộ chỉ số và tài liệu hướng dẫn triển khai công tác theo dõi, đánh giá Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thì:
      - Giếng khoan phải nằm cách nhà tiêu, chuồng gia súc hoặc nguồn gây ô nhiễm khác.
       - Sân giếng khoan phải làm bằng bê tông hoặc lát gạch, đá, không bị nứt nẻ.

13. Nước khoáng có phải là nước ngầm hay không ?

      Nước khoáng là một dạng của nước ngầm, nhưng khi xử lý, nhà cung cấp nước sẽ lựa chọn giữ lại hoặc loại bỏ một số chất trong nước ở nồng độ dành riêng cho ăn uống và chữa bệnh, khác với xử lý nguồn nước ngầm xử lý cho sinh hoạt thông thường.

14. Hồ chứa nước của chung cư cần xúc xả bao nhiêu lần một năm ?
   
 Hiện nay không có quy định cụ thể về việc súc xả hồ chứa nước chung cư. Tuy nhiên, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM khuyến cáo các chung cư cần súc xả hồ chứa 2 lần/năm để đảm bảo vệ sinh và an toàn sức khỏe cho người sử dụng nước.

      Nếu thấy nước bị nhiễm bẩn thì tiến hành súc xả ngay đồng thời cho khử trùng Clo cho hồ chứa.


15. Dấu hiệu nhận biết nước bị nhiễm phèn ?
   
 Nước nhiễm phèn thực chất là nước đã bị nhiễm sắt (Fe). Nước có vị chua, có mùi tanh; làm ố vàng quần áo, vòi nước và dụng cụ chứa.



16. Tôi ở huyện Bình Chánh, sử dụng nước giếng khoan dùng để ăn uống, tắm giặt hàng ngày. Không biết nguồn nước sử dụng có an toàn cho sức khỏe không vì gia đình có trẻ con. Tôi nghe nói trong nước có Amoni sẽ gây ung thư. Gia đình tôi phải làm gì để lọc chất đó ?
      Để biết trong nguồn nước có Amoni hay không phải lấy mẫu đó gửi mẫu xét nghiệm. Bạn có thể liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM (0938 060 869) để biết thêm về việc xét nghiệm nước.

      Có nhiều phương pháp để xử lý amoni trong nước, tuy nhiên, đối với các phương pháp xử lý amoni cần nhiều công đoạn, hóa chất và kỹ thuật phức tạp, chi phí xử lý cao; không thể áp dụng bằng các phương pháp đơn giản như lắng lọc, giàn mưa.

      Có thể liên hệ các Công ty chuyên về xử lý nước để được tư vấn lựa chọn thiết bị lọc nước để đạt hiệu quả.

17. Khử trùng nước là gì ?

      Khử trùng nước có nghĩa là loại bỏ hoặc giết chết các vi sinh vật gây bệnh. Vi sinh vật sẽ bị phá hủy hoặc ngừng hoạt động, từ đó sẽ chấm dứt sự tăng trưởng và sinh sản. Tuy nhiên, trong quá trình khử trùng tất cả các vi sinh vật sẽ bị loại bỏ kể cả vi sinh vật có hại và vô hại.

      Phương pháp khử trùng thông thường nhất và đơn giản nhất mà các hộ gia đình có thể làm được là đun sôi.

18. Cơ chế khử trùng như thế nào ?

      Khử trùng xảy ra trên cơ chế: Các thành tế bào của vi sinh vật bị ăn mòn hoặc thay đổi tính thấm qua màng, hoặc thay đổi hoạt động của enzym. Những thay đổi trong tế bào của vi sinh vật là nguyên nhân làm vi sinh vật không thể nhân rộng và chết dần. Quá trình oxy hóa do chất khử trùng gây ra sẽ phá hủy các chất hữu cơ trong nước từ đó gây thiếu nguồn thức ăn cho vi sinh vật cũng là nguyên nhân gián tiếp tiêu diệt chúng.

19. Các phương pháp khử trùng nước

 Một số phương pháp khử trùng nước hay sử dụng:
      - Khử trùng bằng nhiệt,
      - Khử trùng bằng chlorine (Cl2),
      - Khử trùng bằng ozon (O3),
      - Khử trùng bằng tia cự tím (tia cực tím UV),
      - Khử trùng bằng ion.

20. Việc khử trùng thường được thực hiện ở công đoạn nào trong quá trình xử lý nước.
      Khử trùng thường là một trong những bước cuối cùng trong xử lý nước sau khi nước đã qua các bước xử lý giàn mưa, lắng, lọc. Ngoài ra, các chất khử trùng còn được thêm vào trong cuối quá trình xử lý như một biện pháp chống tái nhiễm khuẩn trong quá trình phân phối nước.

21. Tại sao phải thêm clo vào nước máy ?
      Thêm Clo vào nước máy là một trong những phương pháp hiệu quả  nhất để khử trùng nguồn nước cấp và đảm bảo chúng không bị tái nhiễm trong quá trình phân phối trên mạng lưới đường ống từ nhà máy nước đến hộ dân sử dụng.

22. Tôi cảm thấy hoang mang khi đọc báo thấy việc khử trùng nước đối với nguồn nước mặt ô nhiễm như hiện nay có thể sinh THM’s gây ung thư. Xin cho biết rõ hơn về trường hợp này ?
      Việc khử trùng nước đối với nguồn nước mặt ô nhiễm sẽ tạo các sản phẩm phụ trong đó có THM’s gây ung thư. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm hữu cơ hiện nay chưa đến mức nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Hàm lượng THM’s trong nước máy được giám sát thường xuyên tại Nhà máy nước và Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM. Hiện nay nồng độ THM vẫn nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn nước dùng cho ăn uống.

23. Nồng độ clo cho phép trong nước máy là bao nhiêu ?
      Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QVCN 01:2009/BYT ngày 17/6/2009 của Bộ Y tế thì nồng độ clo dư cho phép trong nước cấp là 0,3-0,5 mg/l để đảm bảo ngăn chặn sự phát triển trở lại của các vi khuẩn gây bệnh cũng như hạn chế mùi khó chịu cho người sử dùng

24. Làm thế nào để loại bỏ hết mùi clo có trong nước cấp ?
      Nếu thấy nước của gia đình nặng mùi clo, để giảm mùi clo trước khi sử dụng bằng cách đơn giản như sau: chứa nước vào phương tiện lưu trữ nước của gia đình (không đậy nắp) trong một khoảng thời gian ngắn (khoảng vài giờ) để clo bay hơi hết.

25. Có thể dùng nước Javel để khử trùng nước không ?
    Nước Javel cổ điển trong thành phần gồm có Natrihypochlorid (NaClO), Natrichlorid (NaCl), nước (H2O), trong đó NaClO là thành phần cơ bản. Trong điều kiện bình thường, NaClO phân tách thành chlor (Cl), natrichlorid (NaCl), nguyên tử oxy (O). Nguyên tử oxy mới sinh có tính khử khuẩn, Cl mới sinh vừa có tính khử khuẩn, vừa tẩy sạch vết bẩn. Có thể dùng Javel để khử trùng nước cho ăn uống nhưng không được dùng dung dịch Javel với nồng độ quá cao vì sẽ gây thừa Chlor. Nồng độ thường dùng là 0,025% (1 lít Javel trong 4.000 lít nước cần khử trùng).


26. Cách khử trùng nước bằng hóa chất ?
      Có thể sử dụng hóa chất Chloramin B 25% để khử trùng nước.

      Nước được khử trùng sau khi qua quá trình lọc để đạt hiệu quả khử trùng cao nhất.

      Cách thực hiện: Sử dụng 3g bột Cloramin B 25% khử trùng 1m3 nước. Nước sau khi khử trùng để thoáng 30 phút mới sử dụng.




27. Nước giếng sau khi lọc có phải khử trùng không ? Cách thực hiện ?
      Nước qua bể lọc chưa hoàn toàn lọc được hết các vi sinh vật, do đó, sau quá trình lọc vẫn phải thực hiện khử trùng nước.

      Có nhiều cách để khử trùng nước: nhiệt, hóa chất, tia cực tím…

28. Nhà tôi ở huyện Cần Giờ có khoan giếng được không ? Khoan ở độ sâu bao nhiêu ?
      Do đặc trưng của Cần Giờ là vùng duyên hải ven biển nguồn nước giếng có độ mặn cao, không thể sử dụng được, vì vậy việc khoan giếng ở huyện Cần Giờ là không khả thi vì chi phí để xử lý độ mặn trong nước là rất cao.

29. Hiện nay tại huyện Cần Giờ người dân sử dụng nguồn nước nào ?
      Người dân sinh sống tại huyện Cần Giờ được cấp nước từ nước máy trực tiếp và nước máy qua ghe, xà lan vận chuyển bơm lên các vệ tinh trung chuyển nước và cấp qua các tuyến ống đến người dân sử dụng.
30. Ảnh hưởng đến sức khỏe của clo dư trong nước ăn uống.
      Các nghiên cứu trên động vật và trên người cho thấy độc tố của clo là rất thấp. Những nghiên cứu trên động vật không thể xác định được hàm lượng clo giới hạn có khả năng gây những ảnh hưởng có hại đến sức khỏe ngoài vấn đề về mùi và vị đặc trưng của clo.

      Như vậy, bản thân clo không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng clo kết hợp với nguồn nước ô nhiễm hữu cơ cao sẽ tạo ra sản phẩm phụ, trong đó có THM’s có khả năng gây ung thư.

31. Nếu nguồn nước qua ghe, xà lan, vệ tinh trung chuyển nước bị ô nhiễm thì người dân sẽ thông báo cho cơ quan chức năng nào:
      Người dân có nghi ngờ về nguồn nước đang sử dụng qua các ghe, xà lan, vệ tinh trung chuyển có thể báo Trạm Y tế xã, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Cần Giờ hoặc có thể báo qua đường dây nóng của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM 0938.060.869.



32. Nước máy qua ghe, xà lan, vệ tinh trung chuyển nước có thể uống trực tiếp được không ?
      Nước máy khi đến được người dân huyện Cần Giờ phải qua quá trình bảo quản trong khoang chứa, bể chứa khuyến cáo người dân phải đun nước sôi đến nhiệt độ 1000C mới sử dụng được.

33. Các qua ghe, xà lan, vệ tinh trung chuyển nước có được cơ quan chức năng kiểm tra không ?
      Nước máy qua ghe, xà lan, vệ tinh trung chuyển nước được lấy từ nguồn nước máy của các nhà máy nước trước khi bơm vào khoang chứa ghe, xà lan đều có sự theo dõi của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Cần Giờ. Định kỳ 06 tháng/ lần Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, Phòng Y tế huyện Cần Giờ, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cần Giờ tiến hành kiểm tra, giám sát lấy  mẫu xét nghiệm đánh giá theo QCVN 01:2009/BYT.
98. Tôi ở nhà trọ, nguồn nước giếng đang sử dụng có pH thấp, muốn xử lý pH mà không có diện tích làm giàn mưa, xin cho hỏi cách xử lý khác?

      Có thể bơm soda để nâng độ pH, tuy nhiên sử dụng hóa chất cho xử lý nước cần được tính toán kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

      Dùng hạt nâng pH có thành phần chủ yếu là CaCO3, bổ sung hạt nâng pH vào bể lọc cũng cải thiện độ pH.

34. Nếu ở một xã sử dụng nước máy qua ghe, xà lan xảy ra tình trạng thiếu nước thường xuyên phải thông báo cho ai ?
      Ghe, xà lan vận chuyển nước phải phụ thuộc vào thủy triều và con nước lên xuống hằng ngày nhưng nếu xảy ra tình trạng thiếu nước liên tục thì người dân có thể điện thoại đến Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Cần Giờ là đơn vị trực tiếp quản lý, điều động phương tiện cấp nước.

35. Gia đình tôi ở huyện Hóc Môn, sử dụng nước giếng khoan dùng để ăn uống nhưng không qua hệ thống lọc. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình tôi đã mua thiết bị lọc nước tại cửa hàng để lọc nước giếng như vậy có an toàn không ?
      Hiện nay, trên thị trường có nhiều thiết bị lọc nước giếng nhưng để đảm bảo nguồn nước giếng sau khi lọc đạt tiêu chuẩn thì gia đình yêu cầu đơn vị bán thiết bị lọc nước phải đảm bảo nước sau khi lọc đạt tiêu chuẩn theo quy định.

      Mẫu nước đạt các chỉ tiêu theo QCVN 01:2009/BYT có thể dùng để ăn uống.

      Mẫu nước đạt các chỉ tiêu theo QCVN 02:2009/BYT (cột II) có thể dùng để sinh hoạt.



36. Nước mưa có thể sử dụng cho mục đích gì ?
      Nước mưa có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Đối với những vùng khan hiếm nước, có thể tận dụng nước mưa để ăn uống, tuy nhiên cần phải có biện pháp bảo quản và xử lý nước mưa trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.



37. Hồ chứa nước của chung cư như thế nào thì được cho là an toàn cho ăn uống, sinh hoạt ?
      Hồ phải được làm bằng inox, bằng nhựa. Nếu hồ làm bằng xi măng, thì mặt trong của hồ phải được lót gạch men. Miệng hồ phải có thành cao tối thiểu 10 cm, có trang bị nắp đậy kín, lắp khóa để tránh rác, côn trùng… rơi vào hồ.
38. Xin hỏi tòa nhà qui định như thế nào được gọi là chung cư ?
      Chung cư là nhà có từ hai tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng với mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh (theo Luật nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014).



39. Vệ sinh xung quanh khu vực hồ chứa nước không đảm bảo có ảnh hưởng gì đến chất lượng nước bên trong hồ chứa không ?
      Nếu khu vực quanh hồ chứa nước chung cư có nhiều rác, bụi bẩn… thì nước hồ sẽ bị nhiễm bẩn khi rác, bụi bay vào hồ, đặc biệt miệng hồ không có gờ cao thì khi mưa to, nước mưa sẽ cuốn chất bẩn chảy vào hồ. Vì thế cần vệ sinh thường xuyên khu vực này, đồng thời không được để xe cộ hay đồ dùng sát miệng hồ chứa hoặc trên miệng hồ chứa, tốt nhất nên cách miệng hồ chứa từ 4 đến 5m.

40. Các chỉ tiêu pH, Clo dư, độ đục đo tại chỗ của nước chung cư nằm trong khoảng bao nhiêu thì đạt ?
      Theo QCVN 01:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống thì các chỉ tiêu trên phải nằm trong khoảng như sau: pH = 6,5 – 8,5; Clo dư = 0,3 – 0,5mg/l; Độ đục ≤ 2NTU.

41. Đối với chung cư sử dụng nước giếng khoan bơm lên, có cần xây dựng hệ thống xử lý riêng cho chung cư không ?
      Chung cư như trên rất cần thiết kế hệ thống xử lý nước hoàn chỉnh và có kế hoạch bảo quản, vận hành, nâng cấp thường xuyên để chất lượng nước đạt QCVN 01:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống.

42. Tôi ở quận 9, nhà tôi sử dụng nước giếng khoan từ năm 2010, giếng tôi khoan tới 40 mét, bình thường gia đình tôi vẫn thấy nước trong, không mùi gì hết. Nhưng vừa rồi nghe nói nước giếng của một số nơi bị nhiễm Asen, Amoni tôi muốn mấy anh y tế thành phố xuống xem giúp cái giếng nhà tôi. Tôi xin cảm ơn.
      Gia đình mình có thể liên hệ đường dây nóng của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM số 0938 060 869 để được tư vấn và hướng dẫn, hoặc bộ phận dịch vụ số 0906 691 973 để được lấy mẫu xét nghiệm theo yêu cầu.

43. Nhà tôi ở huyện Bình Chánh chưa có nước máy thành phố, lâu nay tôi vẫn sử dụng nước giếng khoan của nhà. Gần đây, tôi nghe tin báo đài nói nhiều về nước giếng nhiễm As, Amoni nên tôi muốn sử dụng nước sạch thì phải làm gì ?
      Hiện nay, huyện Bình Chánh chưa có nước máy thành phố, chỉ có nguồn nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung. Anh/chị có thể liên hệ Xí nghiệp cấp nước sinh hoạt nông thôn Số 27, đường Hữu Nghị, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Điện thoại: 38 978 296 – 38 969 661 để được hướng dẫn gắn đồng hồ sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước (nếu khu vực có đường ống của trạm cấp nước).

44. Tôi ở Hóc Môn, tôi đang sử dụng nước của trạm cấp nước. Tôi muốn hỏi cái trạm nước này có ai kiểm tra giám sát không ? Nước có đảm bảo chất lượng không ?
      Căn cứ theo Thông tư 15/2006-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2006 của Bộ Y tế, thì Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại các trạm cấp nước trên địa bàn thành phố. Chất lượng nước tại các trạm cấp nước phải đảm bảo đạt chất lượng theo QCVN 01: 2009/BYT hoặc QCVN 02: 2009/BYT tùy theo công suất cung cấp của trạm cấp nước.

45. Tôi ở Bình Chánh, hiện đang sử dụng nước giếng khoan, độ sâu khoảng 20m. Nước mới bơm có mùi tanh tanh. Cho hỏi mùi đó gọi là gì ?
      Nước có mùi vị lạ gây cảm giác khó chịu, nước ngầm có mùi hôi nguyên nhân là do các túi khí trong lòng đất được bơm lên theo dòng nước (mùi bùn đất) hoặc do nguồn nước thải, sự phân hủy chất hữu cơ ở khu vực xung quanh thấm vào mạch nước ngầm (mùi trứng thối), cũng có thể do trong nguồn nước có các ion sắt, magan gây mùi tanh.



46. Tôi đang sử dụng nước giếng khoan, không nhớ rõ độ sâu giếng. Tôi muốn biết pH nguồn nước đang sử dụng thì làm như thế nào ?
      Xác định pH bằng phương pháp so màu dùng chất chỉ thị màu, giấy chỉ thị pH hay đo bằng pH kế sẽ có độ chính xác cao hơn và tránh được những trở ngại như khi mẫu có màu…



47. Gia đình tôi ở huyện Bình Chánh, đang sử dụng nước giếng. Cuối năm 2014, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố có lấy mẫu nước tại gia đình để xét nghiệm, kết quả thông báo về gia đình có chỉ tiêu Coliform không đạt. Cho hỏi sử dụng nước không đạt Coliform có bị ảnh hưởng sức khỏe gì không ?
      Việc sử dụng nước nhiễm vi sinh Coliform có thể gây ra các bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số trường hợp có thể gây nên suy thận, nhiễm khuẩn huyết...

      Để đảm bảo an toàn nguồn nước sử dụng, cần đun sôi nước trước khi dùng cho ăn uống, súc xả vật chứa nước thường xuyên, đậy kín vật chứa tránh vật lạ và côn trùng rơi vào.

48. Nhà tôi ở gần khu công nghiệp Lê Minh Xuân, hiện đang sử dụng nước giếng khoan. Cho tôi hỏi nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào ?
      Tùy vào các chỉ tiêu ô nhiễm có thể gây các bệnh về đường ruột; các bệnh về da, các bệnh ung thư, các dị tật bẩm sinh; các bệnh hô hấp và các bệnh tim mạch, cao huyết áp do ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất bảo vệ thực vật và trong chất thải công nghiệp, khói, bụi, tiếng ồn liên tục trong đất, nước, không khí và môi trường.
49. Gia đình tôi đang sử dụng nước giếng khoan, không nhớ rõ độ sâu giếng. Tôi nghe nói nước giếng thường có pH thấp, cho hỏi pH thấp ảnh hưởng gì đến sức khỏe không ?
      Độ pH thấp về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, pH thấp làm tăng tính axit trong nước, làm ăn mòn kim loại trên đường ống, vật chứa và tích lũy các ion kim loại gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm mau hỏng vải, quần áo khi giặt… Mặt khác, pH thấp còn gây ngứa khi tắm gội, gây hỏng men răng, và có thể tạo điều kiện xuất hiện các bệnh ngoài da.

50. Xin chào quý Trung tâm, tôi ở quận Gò Vấp, gia đình đang sử dụng nước máy. Tôi thường uống nước đun sôi để nguội. Ở dưới đáy bình đun có lớp cặn màu trắng, cho hỏi cặn trắng đó gọi là gì ?
      Thực chất lớp cặn đó do trong nước có hàm lượng cation của Mg và Ca cao (nước cứng), khi chúng ta đun sôi lên làm các ion này kết tủa tạo thành muối và lắng cặn tại các thiết bị đun sôi như siêu nước, phích nước, bình nóng lạnh.
 51. Tôi ở quận Bình Thạnh, tôi vừa đọc báo Người lao động thấy nội dung về nước nhiễm amoni có thể gây ung thư. Xin quý Trung tâm nêu rõ hơn về vấn đề này ?
      Nước có hàm lượng amoni cao biểu thị nước đã bị ô nhiễm chất hữu cơ có nguồn gốc nitơ (nước thải, phân bón, chất thải từ chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh, bãi rác, nghĩa trang…). Amoni trong nước ngầm khi gặp oxy trong không khí chuyển hóa thành Nitrat và Nitrit. Nitrat và Nitrit khi vào cơ thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gây nên hiện tượng methemoglobin (thiếu ô-xy trong máu), đặc biệt là khi kết hợp với các axit amin trong cơ thể còn tạo thành chất nitrosamine gây ung thư.
52. Độ cứng có ảnh hưởng gì sức khỏe không ?
      Độ cứng không độc hại đối với sức khỏe nhưng khi dùng nước có độ cứng cao phải tiêu hao nhiều xà bông hơn cho giặt giũ do các ion canxi và magie phản ứng với axit béo tạo thành các hợp chất khó hòa tan.

      Đối với các thiết bị đun, nồi hơi, nước cứng làm tăng độ ăn mòn do tăng ion H+ và tạo thành cặn bám trên thành thiết bị làm giảm khả năng truyền nhiệt, tiêu hao nhiệt năng.



53. Tôi ở huyện Hóc Môn, đang sử dụng nước giếng khoan, nhà có thiết bị lọc (cát, than, sỏi). Nước sau khi qua thiết bị, cảm thấy nước trong, không màu, không mùi, tuy nhiên tôi vẫn chưa an tâm về chỉ tiêu asen của nước lọc, cho hỏi làm sao biết được trong nước có asen không? Asen nguy hiểm như thế nào ?
      Để biết được trong nước có asen hay không, anh cần phải gửi mẫu đến đơn vị xét nghiệm, anh có thể gửi mẫu đến Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh để xét nghiệm chỉ tiêu này (liên hệ số điện thoại 0938 060 869).

      Asen trong nước cao có thể gây ngộ độc, ngoài ra, Asen trong nước còn tích tụ trong cơ thể, gây tổn hại đến gan, tủy xương, tế bào thần kinh và gây ung thư.

54. Kết quả xét nghiệm nguồn nước có chỉ số pecmanganat không đạt nghĩa là gì ? Cách xử lý ?
      Chỉ số pecmanganat trong nước cao là dấu hiệu nước đã bị ô nhiễm các chất hữu cơ (phương pháp xác định nhu cầu oxy hóa học, tương tự COD).

      Để xử lý nước có chỉ số pecmanganat cao: Cần cho nước qua quá trình lọc, sau đó khử trùng nước, cũng có thể sử dụng than hoạt tính trong quá trình lọc để loại bỏ các chất hữu cơ thông thường, làm giảm chỉ số pecmanganat. Tuy nhiên, nếu nguồn nước còn các hợp chất hữu cơ gốc nitơ, phải sử dụng phương pháp xử lý trao đổi ion (phức tạp và tốn kém).



55. Cách tạo giàn mưa đơn giản tại nhà như thế nào ?
      Giàn mưa mục đích là nâng pH, khử sắt, khử mangan, khử mùi (mùi tanh của sắt, mangan).

      Giàn mưa làm cho nước tiếp xúc với không khí để nhận oxy từ không khí khử sắt, khử mangan và nâng độ pH.

      Có thể tạo đơn giản bằng cách đục ống nhựa PVC, cứ cách 3cm lại đục 1 lỗ. Sau đó bịt 1 đầu ống lại, cho nước chảy từ các lỗ đục xuống.
56. Nước giếng nhà tôi khi bơm lên trong vắt, để qua ngày thì nước có màu nâu đỏ bám vào thau chứa. Xin cho biết đó là gì và làm cách nào để nước vẫn trong như khi bơm lên ?
      Khi tiếp xúc với không khí thì sắt 2 (Fe2+) sẽ chuyển hóa thành sắt 3 (Fe3+) kết tủa tạo màu đỏ nâu.

      Để loại bỏ sắt: Có thể sử dụng giàn mưa làm thoáng để kết tủa các ion sắt hòa tan trong nước, sau đó cho nước qua quá trình lắng, lọc để loại sắt kết tủa ra khỏi nguồn nước.


57. Nhà tôi gần bãi rác Đa Phước, người nhà tôi mất vì bệnh ung thư, không biết có phải do sử dụng nước ô nhiễm hay không ?
      Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên, môi trường xung quanh khu vực nhà bạn có nhiều chất ô nhiễm, có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngầm. Về chỉ tiêu và mức độ ô nhiễm chỉ có thể biết chính xác khi xét nghiệm mẫu nước.

      Bạn nên xét nghiệm nguồn nước sử dụng để có cách xử lý phù hợp, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.


58. Làm bể lọc đơn giản tại nhà như thế nào ?
      Mục đích là lọc cặn, độ đục (như Fe3+), chất hữu cơ, làm trong nước, khử mùi (mùi bùn đất, mùi chất lữu cơ).

     Nước qua giàn mưa xuống bể qua các lớp vật liệu sau:
      - Lớp cát vàng hoặc cát thạch anh (độ dày 25 – 30cm).
      - Than hoạt tính (độ dày 10 cm).
      - Lớp đá sỏi nhỏ đường kính 0,5 – 1 cm (độ dày 10 cm).

      Dưới đáy bể dùng ống nhựa khoan lỗ phần ống nằm trong bể nhằm ngăn vật liệu lọc rơi vào đường ống.

      Tùy theo tình hình thực tế và công suất sử dụng của gia đình, nên rửa lớp váng màu vàng đóng trên bề mặt lớp cát trên cùng với tần suất 1 – 3 tháng/lần. Trường hợp vật liệu quá bẩn cần thay vật liệu lọc.


59. Nước có mùi hôi là ô nhiễm chất gì ? Cách xử lý ?
      Nước có mùi vị lạ gây cảm giác khó chịu, nước ngầm có mùi hôi nguyên nhân là do các túi khí trong lòng đất được bơm lên theo dòng nước (mùi bùn đất) hoặc do nguồn nước thải, sự phân hủy chất hữu cơ ở khu vực xung quanh thấm vào mạch nước ngầm (mùi trứng thối), cũng có thể do trong nguồn nước có các ion sắt, magan gây mùi tanh.

      Để xử lý mùi của nước có thể dùng phương pháp hấp phụ bằng than hoạt tính; hoặc nếu mùi tanh do sắt, thì có thể sau khi khử sắt tạo kết tủa, thì mùi tanh cũng sẽ giảm hoặc biến mất.


60. Nhà tôi sử dụng nước giếng khoan có bể qua bình lọc than đá, sử dụng khoảng 6-7 tháng thì nước qua bình lọc vàng như nước giếng mới bơm lên. Xin cho biết cách xử lý trường hợp này.
      Do quá trình lọc gây bẩn vật liệu lọc làm giảm hiệu quả lọc. Gia đình cần rửa lọc 1-3 tháng/ lần tùy vào mức độ ô nhiễm của nguồn nước, nếu vật liệu lọc quá bẩn, cần thay vật liệu lọc.

      Nếu nước có màu vàng, cần bổ sung thêm giàn mưa để khử sắt, mangan trước khi lọc.

     Xem độ dày của vật liệu lọc để đem lại hiệu quả lọc:
      - Lớp cát vàng hoặc cát thạch anh (độ dày 25 – 30cm).
      - Than hoạt tính (độ dày 10 cm).
      - Lớp đá sỏi nhỏ đường kính 0,5 – 1 cm (độ dày 10 cm).
61. Độ màu trong nước là gì? Có ảnh hưởng đến sức khỏe không ? Cách xử lý ?
      Nước có độ màu cao là dấu hiệu đầu tiên của tình trạng ô nhiễm, sự có mặt của một số ion kim loại (Fe, Mn), tảo, than bùn và các chất thải công nghiệp làm cho nước có màu.
      - Màu vàng của hợp chất sắt và mangan.
      - Màu xanh của tảo, hợp chất hữu cơ.

      Nước có độ màu cao thường gây khó chịu về mặt cảm quan. Thông thường, nước ngầm vừa bơm lên trong, không màu, khi để tiếp xúc với không khí một thời gian sẽ xuất hiện các phản ứng oxy hóa sắt và mangan thành hydroxyt sắt 3 và hydroxyt mangan kết tủa làm cho nước có màu.

      Tùy theo màu sắc của nước có thể đánh giá mức độ và nguyên nhân ô nhiễm nước, trên cơ sở đó lựa chọn phương pháp xử lý hiệu quả: clo hóa sơ bộ; keo tụ tạo bông; lắng lọc.



62. Nước hợp vệ sinh có dùng để ăn uống được không ?
      Nước hợp vệ sinh chỉ mang tính chất định tính, không căn cứ vào chỉ tiêu xét nghiệm.

      Để sử dụng cho mục đích sinh hoạt, các chỉ tiêu trong nước phải đạt QCVN 02:2009/BYT.

      Để sử dụng cho mục đích ăn uống, các chỉ tiêu trong nước phải đạt QCVN 01:2009/BYT.
63. Nước bị đục có sử dụng để tắm giặt được không? Làm gì để nước hết đục ?
      Độ đục biểu thị hàm lượng các chất lơ lửng trong nước (chất keo, đất sét, tảo, vi sinh vật…). Nước đục gây khó chịu cho người sử dụng; và thông thường nước đục thường kèm theo có vi sinh.

      Nước sinh hoạt có độ đục giới hạn ở mức 5 NTU, tức là nước dùng cho sinh hoạt phải có độ đục dưới 5 NTU.

      Các phương pháp lắng, lọc có thể làm giảm độ đục trong nước.


64. Để biết nguồn nước có sử dụng được cho sinh hoạt tại hộ gia đình, cần xét nghiệm các chỉ tiêu nào ?
      Nước sinh hoạt hộ gia đình xét nghiệm các chỉ tiêu theo QCVN 02:2009/BYT (cột II) bao gồm 10 chỉ tiêu: Màu sắc, Mùi vị, Độ đục, pH, Hàm lượng Amoni, Hàm lượng sắt tổng số (Fe2+ ; Fe3+), Chỉ số Pecmanganat, Hàm lượng Asen tổng số, Coliform tổng số, E.coli.

65. Tôi muốn xét nghiệm mẫu nước thì liên hệ như thế nào ?
   Bạn có thể liên hệ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM
   Địa chỉ: 699 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5, TPHCM.
   Điện thoại: 08.39.242.717 – 0906.691.973 – 0938.060.869

66. Nước sạch và nước hợp vệ sinh nước nào tốt hơn ?
      Nước hợp vệ sinh chỉ đánh giá dựa vào cảm quan, không yêu cầu các chỉ tiêu xét nghiệm. Do đó, nước hợp vệ sinh cần xét nghiệm thêm để xác định mục đích sử dụng (ăn uống hay sinh hoạt).

      Nước sạch là nước có tất cả các chỉ tiêu không vượt quá giới hạn quy định trong Thông tư 05/2009/TT-BYT ban hành QCVN 02:2009/BYT. Do đó, để đánh giá nguồn nước là sạch cần xét nghiệm các chỉ tiêu theo QCVN 02:2009/BYT.

      Như vậy, nước sạch tốt hơn do có cơ sở để đánh giá đảm bảo cho mục đích sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

67. Nước hợp vệ sinh là gì ?
      Nước hợp vệ sinh là nước được sử dụng trực tiếp hoặc sau khi xử lý thỏa mãn các điều kiện sau: trong, không màu, không mùi, không vị (theo Quyết định số 2570/QĐ-BNN-TCTL ngày 22/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Bộ chỉ số và tài liệu hướng dẫn triển khai công tác theo dõi, đánh giá Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn)


68.  Khu vực nhà tôi chưa có nước máy, phải sử dụng nước giếng tự khai thác, để sử dụng nước nấu ăn tại quán ăn gia đình, tôi phải xử lý nước theo tiêu chuẩn nào ?
      Để sử dụng nước cho mục đích chế biến thực phẩm tại các cơ sở chế biến thực phẩm phải đảm bảo nguồn nước đạt các chỉ tiêu theo QCVN 01:2009/BYT (gồm 109 chỉ tiêu).



69. Do nước máy nhà tôi yếu, không sử dụng được cho các tầng cao. Khi sử dụng nước qua bồn chứa, cần làm gì để đảm bảo vệ sinh ?
      Nước máy trên mạng được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan chức năng (Nhà máy nước và Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM).

      Tuy nhiên, khi qua bồn chứa nước hộ dân, nước có thể nhiễm bẩn do quá trình lưu chứa. Do đó, khi sử dụng bồn chứa nước cần đậy kín và có chế độ súc xả định kỳ tối thiểu 6 tháng/ lần. Nước qua bồn chứa phải được đun sôi trước khi dùng cho ăn uống và chế biến thực phẩm.

70. Nhà tôi sử dụng nước giếng khoan của trạm cấp nước, nguồn nước này phải đạt tiêu chuẩn như thế nào mới đảm bảo an toàn cho người sử dụng ?
   Theo quy định của Nhà nước về chất lượng nước tại các trạm cấp nước:
      - Nếu trạm cung cấp nước công suất dưới 1.000 m3/ngày đêm: Nước cung cấp cần đảm bảo theo QCVN 02:2009/BYT.
      - Nếu trạm cung cấp nước công suất từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên: Nước cung cấp cần đảm bảo theo QCVN 01:2009/BYT.

71. Tôi quản lý một tòa nhà cho thuê, sử dụng nước giếng cho khu vực nhà vệ sinh có phải xét nghiệm không ?
      Theo quy định, mọi hình thức cung cấp nước cho cộng đồng đều phải xét nghiệm để đảm bảo chất lượng nước cung cấp.

      Trường hợp này là cấp nước cho mục đích sinh hoạt cần xử lý nước và xét nghiệm các chỉ tiêu theo QCVN 02:2009/BYT (cột I gồm 14 chỉ tiêu).
16. Tôi ở huyện Bình Chánh, sử dụng nước giếng khoan dùng để ăn uống, sinh hoạt rất lâu năm nhưng không qua hệ thống lọc. Nước không trong, ngửi có mùi tanh, các thiết bị trong nhà vệ sinh ngả màu vàng. Xin hướng dẫn cho tôi cách xử lý nguồn nước đó ?
      Có thể dùng vỉ inox bán kính 0,5m, đục lỗ nhỏ đều trên bề mặt sau đó bơm nước giếng thô cho chảy trên vỉ inox, cách vỉ inox 1 mét đặt 1 thùng chứa lớn/ hồ chứa để hứng nước từ vỉ inox chảy xuống.

      Sau đó cho nước đó chảy qua bể lọc gồm: 1 lớp cát (dày 25-30cm), 1 lớp than hoạt tính (dày 10cm), 1 lớp sỏi nhỏ (dày 10cm). Nước sau khi qua bể lọc sẽ trong, không còn mùi tanh.
Tuy nhiên, nếu cho nước chảy qua 1 lần mà nước vẫn còn có mùi tanh, thì chị có thể cho nước chảy qua vỉ inox và bể lọc thêm 1 lần nữa.


72. Than hoạt tính có tác dụng gì trong bể lọc ?
      Than hoạt tính có tác dụng hấp phụ độc tố, khử mùi trong nước, có tác dụng mạnh với rất nhiều loại hóa chất chứa clo, benzen hay các hóa chất công nghiệp hòa tan trong nước nên nước đi qua than hoạt tính sẽ xử lý gần như triệt để các hợp chất này.

73. Nước ngầm có bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học ?
      Ở vùng nông nghiệp, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước dưới đất. Một lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học dư thừa sẽ tích lũy trong đất, từ đó thấm dần vào mạch nước ngầm làm nước bị ô nhiễm.



74. Phải làm gì để bảo vệ nguồn nước ngầm ?
      - Không khai thác bừa bãi, bảo vệ nguồn tài nguyên nước, tránh sụt lún do cạn kiệt tầng nước ngầm.

      - Có ý thức bảo vệ môi trường xung quanh: rác thải, nước thải được thu gom đúng nơi quy định; không thải chất thải bừa bãi ra môi trường xung quanh; không thải các chất độc hại ra môi trường (thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, nước thải công nghiệp…).

75. Gia đình tôi đã được cấp nước sạch. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí, tôi có thể dùng nước giếng để sinh hoạt có được không ?
      Dùng nước giếng để sinh hoạt trong trường hợp nước giếng của gia đình đã xử lý đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt.

      Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, ngành y tế khuyến cáo bà con nên sử dụng nguồn nước sạch được sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng, vừa đảm bảo sức khỏe người dân, vừa thực hiện bảo vệ môi trường, bảo vệ tầng nước ngầm đang ngày càng cạn kiệt.
76. Nước bị ô nhiễm kim loại nặng như thế nào ?
      Kim loai nặng bao gồm Thủy ngân, Asen, Chì, Cadimi, Crôm, Đồng, Kẽm… Nước ngầm nhiễm kim loại nặng do môi trường xung quanh có nguồn nước thải công nghiệp chưa được kiểm soát.

      Để phòng tránh ô nhiễm kim loại nặng, cần quản lý chặt chẽ nguồn thải từ các ngành công nghiệp.

78. Nước nhiễm vi sinh có biểu hiện gì không ?

      Nước nhiễm vi sinh không có biểu hiện gì, không thể phát hiện bằng mắt thường.
Nước phải được kiểm nghiệm vi sinh vật mới cho kết quả cụ thể về nguồn nước nhiễm vi sinh hay không.



79. Mẫu sau khi lấy phải bảo quản như thế nào ?
      Không có quy định cụ thể trong vấn đề bảo quản mẫu, tuy nhiên, nguyên tắc là thời gian từ khi lấy mẫu đến phòng xét nghiệm càng ngắn càng tốt.

      Bảo quản mẫu tham khảo TCVN 6663-3:2008 – Hướng dẫn bảo quản và xử lý mẫu.

80. Tôi muốn xét nghiệm mẫu vi sinh nhưng không có chai tiệt trùng, phải lấy mẫu như thế nào để cho kết quả chính xác ?
   Có thể dùng chai nước suối 0,5 lít còn nguyên màng co.

     Cách lấy mẫu:
      - Rửa tay sạch và sát trùng bằng cồn,
      - Dùng bông gòn tẩm cồn hơ lửa xung quanh vòi lấy nước,
      - Mở màng co, mở nắp chai, không để bàn tay chạm vào miệng chai,
      - Đổ hết nước trong chai ra,
      - Tráng bình 2 – 3 lần bằng nguồn nước lấy mẫu,
      - Hứng 2/3 chai và đậy ngay nắp chai lại.
81. Có quy định nào về cách lấy mẫu hóa lý, vi sinh ?
      Hiện nay, Nhà nước có hướng dẫn về kỹ lấy mẫu để đảm bảo tính chính xác của mẫu nước xét nghiệm.

      Kỹ thuật lấy mẫu tham khảo TCVN 6663-1:2011 – Hướng dẫn lập chương trình lấy mẫu và kỹ thuật lấy mẫu.

82. Lấy mẫu xét nghiệm Amoni như thế nào ?
      Amoni cũng như các chỉ tiêu hóa lý khác, tùy vào mục đích xét nghiệm các chỉ tiêu mà chọn bình chứa phù hợp.

      Đối với mẫu hóa lý xét nghiệm nước dùng cho sinh hoạt, sử dụng bình nhựa 2 lít sạch.

      Cách lấy mẫu: Tráng bình 2 – 3 lần bằng nguồn nước lấy mẫu, hứng nước đầy bình, sau đó đậy kín nắp bình.

      Lưu ý: Hứng nước thật đầy bình, không để khoảng trống không khí bên trên mặt nước trong bình.



83. Nhà tôi ở phường Thạnh Lộc, quận 12, nước khu vực này bị vàng, qua lọc vẫn không hết, khi nào khu vực này có nước sạch ?
      Trước hết, cần kiểm tra lại hệ thống lọc (kiểm tra độ dày các lớp lọc có đảm bảo không), vệ sinh vật liệu lọc, thay vật liệu lọc nếu cần thiết. Nếu có điều kiện thì nên bổ sung thêm giàn mưa trước khi cho nước qua bể lọc.

      Theo Nghị quyết của HĐND TP. HCM, đến cuối năm 2015, 100% hộ dân trên địa bàn TP.HCM sẽ có nước sạch.

84. Tôi nghe nói nước máy đạt tiêu chuẩn nước ăn uống, vậy gia đình tôi sử dụng nước này để uống trực tiếp có được không ?
      Theo kết quả giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng, nguồn nước sau xử lý tại các nhà máy nước đạt tiêu chuẩn nước ăn uống.

      Tuy nhiên, do hệ thống đường ống cũ kỹ, có khả năng nhiễm bẩn trong quá trình vận chuyển từ nhà máy nước đến nhà dân, ngành y tế khuyến cáo người dân cần đun sôi nước trước khi uống.

85. Xin cho hỏi, các cơ sở cung cấp nước có buộc phải tự kiểm tra chất lượng nước trước khi cung cấp hay không ?
      Theo quy định tại Thông tư 04/2009/TT-BYT ban hành QCVN 01:2009/BYT và Thông tư 05/2009/TT-BYT ban hành QCVN 02:2009/BYT, các cơ sở cung cấp nước phải tự kiểm tra chất lượng nước trước khi cung cấp cho người sử dụng. Tần suất và chỉ tiêu giám sát tùy vào công suất của cơ sở cấp nước.
 86. Nhà tôi sử dụng thiết bị lọc nước RO. Xin cho biết lọc nước RO là gì? Lọc RO có đảm bảo chất lượng nước sử dụng không ?
      Công nghệ lọc RO (Reverse Osmosis – Thẩm thấu ngược): Là công nghệ lọc nước sử dụng màng siêu lọc, khe lọc có kích thước 0,0001 micron (lọc đến kích thước ion, nguyên tử). Công nghệ RO dùng áp lực đẩy nước từ nơi có nồng độ muối khoáng cao thấm qua một màng đặc biệt đến nơi có nồng độ muối khoáng thấp hoặc không có.

      Các hệ thống thẩm thấu ngược (hệ thống RO) loại bỏ muối, vi sinh vật và nhiều chất hữu cơ phân tử lượng cao. Năng lực hệ thống RO phụ thuộc vào nhiệt độ nước, tổng số chất rắn hòa tan (TDS) trong nước cấp, áp lực hoạt động và tỷ lệ thu hồi nước của hệ thống.

      Tuy nhiên, định kỳ cần xét nghiệm nước sau khi qua thiết bị lọc để biết chất lượng nước có đạt hay không.


87. Các cơ sở cung cấp nước không thực hiện tự kiểm tra chất lượng nước hoặc cung cấp nước không đạt tiêu chuẩn có bị xử phạt không ?
      Tại khoản 3, khoản 4, điều 14 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính Phủ có quy định các khoản phạt đối với hành vi không thực hiện xét nghiệm nước theo quy định và cung cấp nước không đảm bảo Quy chuẩn Quốc gia về chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt.



88. Khu vực tôi ở có hộ gia đình chăn nuôi bò, thải chất thải ra môi trường xung quanh rất hôi, việc này có ảnh hưởng đến nguồn nước của khu vực xung quanh không ?

      Việc thải chất thải chăn nuôi ra môi trường xung quanh làm chất thải thấm xuống đất và ngấm vào mạch nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, đặc biệt là tầng nước nông.

89. Việc thải nước thải ra môi trường làm ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm có bị xử phạt không ?

      Tại khoản 1, khoản 2, điều 14 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính Phủ có quy định các khoản phạt đối với hành xả rác, chất thải ra môi trường xung quanh.


90. Nhà tôi sử dụng nước máy, nếu xảy ra sự cố trong nguồn nước thì tôi phải báo với đơn vị nào ?
      Có thể liên hệ trực tiếp với Công ty cấp nước đang hợp đồng cấp nước cho hộ gia đình hoặc liên hệ Trạm y tế phường-xã, Trung tâm y tế dự phòng quận-huyện, Ủy ban nhân dân phường-xã, Ủy ban nhân dân quận-huyện.

      Ngoài ra, bạn có thể liên hệ đường dây nóng của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM 0938.060.869.

91. Clorua trong nước ngầm nghĩa là gì ?

      Hàm lượng Clorua trong nước ngầm biểu hiện độ mặn của nước. Giới hạn tối đa hàm lượng clorua trong nước ngầm là 300 mg/l. Nước có hàm lượng Clorua cao hơn 300 mg/l nghĩa là nước nhiễm mặn, thông thường nước nhiễm mặn sẽ không sử dụng được, chi phí xử lý lại rất cao.



92. Tôi quản lý trạm cấp nước, để đo tại chỗ một số chỉ tiêu cần có thiết bị đo hiện trường, xin cho hỏi làm thế nào để biết thiết bị đo chính xác ?

      Theo Thông tư 23/2013/TT-BKHCN có quy định danh mục các thiết bị cần kiểm định, theo đó, thiết bị đo pH và độ đục cần được kiểm định 01 năm/lần.

      Để biết thiết bị đo chính xác hay không, cần thực hiện hiệu chuẩn thiết bị (có thể tự hiệu chuẩn bằng dung dịch chuẩn hoặc đem đến các đơn vị có chức năng để hiệu chuẩn). Việc hiệu chuẩn là không bắt buộc.

93. Tôi được biết nguồn nước máy hiện nay được xử lý từ nước sông. Nước sông ngày càng ô nhiễm có ảnh hưởng gì đến chất lượng nước máy không ?

      Nguồn nước sông ngày càng ô nhiễm do chưa quản lý tốt nguồn thải ra sông. Tuy nhiên, hiện nay, các nhà máy nước được trang bị công nghệ hiện đại, xử lý tốt các chất ô nhiễm cho nước đầu ra đạt tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước. Nguồn nước này được giám sát thường xuyên bởi cơ quan chức năng nên luôn ổn định về chất lượng.

94. Có thông tin cho rằng uống nước đun sôi để nguội gây ung thư?
      Không có bằng chứng khoa học nào chứng tỏ việc uống nước đun sôi để nguội gây ung thư. Ngành y tế khuyến cáo người dân sử dụng nước đun sôi nhằm tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh đường ruột và các mầm bệnh khác.



95. Sử dụng nước máy trực tiếp từ vòi để làm đá uống tại nhà có được không ?

      Theo quy định tại Thông tư số 05/2011/TT-BYT ban hành QCVN 10:2011/BYT về chất lượng nước đá dùng liền, nước dùng để làm đá phải đạt QCVN 01:2009/BYT.
Nước máy từ vòi đạt quy chuẩn kỹ thuật nước ăn uống, có thể sử dụng để làm đá uống.



96. Khu vực nhà tôi sống hiện nay gần khu vực có nghĩa trang thì nguồn nước giếng khoan của tôi có ảnh hưởng gì không ?

      Khu vực nghĩa trang được xem như là nguồn có thể gây ô nhiễm cho nước ngầm, do đó giếng khoan nhà bạn cần được kiểm tra lại xem chất lượng nước có đảm bảo vệ sinh hay không bằng cách lấy mẫu nước xét nghiệm lý, hóa và vi sinh.
96. Cách bảo quản nước đun sôi để nguội ?

      Nước đun sôi để nguội cần được bảo quản trong vật chứa sạch, kín, tránh tái nhiễm lại các loại vi khuẩn và các mầm bệnh khác từ môi trường bên ngoài.

      Nước đun sôi để nguội chỉ nên uống trong ngày, không trữ thời gian lâu vì dễ tái nhiễm vi khuẩn và các mầm bệnh khác từ môi trường bên ngoài.

97. Gia đình tôi đang sử dụng nước giếng khoan, cảm thấy nước có mùi tanh, nổi váng màu vàng trong hồ chứa. Cho hỏi nước của gia đình tôi bị nhiễm phèn nhiều không ? Ảnh hưởng như thế nào ?
      Nước có hàm lượng sắt lớn hơn 0,5mg/l đã có mùi tanh khó chịu và nổi váng bề mặt, làm cho quần áo bị ố vàng, sàn nhà, dụng cụ bị ố màu nâu đỏ. Hơn nữa, khi nước chảy qua đường ống, sắt sẽ lắng cặn gây gỉ sét, tắc nghẽn trong đường ống. Ngoài ra, lượng sắt có nhiều trong nước sẽ làm cho thực phẩm biến chất, thay đổi màu sắc, mùi vị; làm giảm việc tiêu hóa và hấp thu các loại thực phẩm, gây khó tiêu…

98. Ở ấp tôi sống thì mỗi nhà đều có một cái giếng khoan. Nhưng do đời sống bà con còn khó khăn nên cả ấp dự định gửi 1 mẫu nước giếng khoan của nhà tôi đi xét nghiệm coi chất lượng nước thế nào. Vậy cho tôi hỏi là kết quả của một mẫu nước nhà tôi có dùng để đánh giá chất lượng nước chung cho ấp tôi được không ?

      Chất lượng nước giếng khoan tại mỗi gia đình là khác nhau vì mỗi nhà khoan ở một độ sâu khác nhau, mạch nước ngầm khác nhau và tùy vào khu vực khoan giếng (có gần nguồn gây ô nhiễm như chuồng chăn nuôi gia súc, nhà vệ sinh, khu vực nghĩa trang, khu công nghiệp…).

{ 1 nhận xét... read them below or add one }

Nặc danh nói...

Situs Judi Slot Online Deposit Pulsa Tanpa Potongan
Situs Judi Slot Online Deposit Pulsa luckyclub Tanpa Potongan Resmi & Terbaik: Judi Slot Online Terbaik. JOKER123 > Daftar 12 Provider Slot Online: SBOBET, Ion

Đăng nhận xét